Các mẹ cần tìm hiểu kĩ cách thức bảo quản sữa mẹ để đảm bảo lượng dinh dưỡng tối đa cho con. Nếu bảo quản không đúng cách, sữa mẹ sẽ không còn đúng tác dụng như ban đầu nữa, thậm chí có thể gây tiêu chảy cho bé.
1/ Trữ sữa mẹ bằng gì?
Sữa mẹ vắt ra có thể trữ bằng:
Bình trữ sữa: Bình trữ sữa thường được chọn khi bạn chỉ trữ ở ngăn mát và dùng xoay vòng sữa trong 1-2 ngày, tiện lợi khi lắp núm vào dùng luôn. Không nên trữ bình ở ngăn đông đá, vì diện tích chiếm chỗ nhiều, ngăn đá lại trữ lâu dài nên chi phí đầu tư bình sữa khá tốn kém. Khi đựng sữa vào bình không nên đựng tràn đầy bình, phải chừa 1 khoảng không để sữa còn giãn nở khi thay đổi nhiệt độ.
Túi trữ sữa: Túi trữ sữa thì chỉ sử dụng được 1 lần, túi được làm bằng nhựa an toàn, có khóa zip và dùng để trữ lâu dài trên ngăn đá. Lưu ý khi trữ sữa ở ngăn đá bạn nên cho túi đặt nằm ngang và ép hết không khí ra ngoài để tiết kiệm diện tích.
2/ Thời gian bảo quản sữa mẹ
Sữa mẹ sau khi đã được vắt ra có thể dự trữ ở nhiệt độ mát trong phòng (khoảng 26-28ºC) là 6 giờ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, việc bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ trong phòng không nên kéo dài quá 4 giờ; nhiệt độ phòng trên 26 độ là dưới 1 giờ. Nguyên nhân là do sữa mẹ khác nhau từ người mẹ này với người mẹ khác, nhiệt độ phòng cũng khác nhau tùy lúc vắt sữa nên việc xác định thời gian bảo quản cũng cần phải linh hoạt. Bạn có thể tham khảo thời gian bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh như sau:
– Sữa mẹ để trong ngăn mát tủ lạnh: tối đa 48 tiếng
– Sữa mẹ để trong ngăn đá tủ lạnh nhỏ (tủ lạnh 1 cửa): tối đa 2 tuần
– Sữa mẹ để trong ngăn đá tủ lạnh 2 cửa (ngăn đá có cửa riêng): tối đa 3 tháng
– Tủ đông lạnh chuyên dụng: tối đa 6 tháng
Vì vậy, nếu bạn không có dự định cho bé dùng sữa ngay sau khi vắt thì nên dự trữ sữa mẹ trong tủ lạnh càng sớm càng tốt.
3/ Các trường hợp đặc biệt
Có nhiều bạn lo ngại là lượng sữa dư mỗi ngày đưa lên ngăn đá mà chưa dùng kịp sợ hết date, phải làm thế nào? Bạn nên xoay vòng đưa sữa mới lên (ghi date rõ trên bao bì) thì lấy bớt sữa date cũ nhất xuống dùng để đảm bảo sữa trữ ngăn đá luôn có ngày sử dụng mới nhất.
Sữa hút dư trong 1 ngày trữ ngăn mát (chưa qua bé bú) có thể gom lại thành 1 túi và đưa lên ngăn đá. Lưu ý nếu có ý định trữ đông thì sữa đó chỉ lưu ở ngăn mát tối đa 24h, nếu quá 24h thì nên lưu ở ngăn mát và dùng hết trong 72h không đưa lên ngăn đá nữa.
Một túi trữ sữa ở ngăn đá nếu chỉ chứa ít sữa và đã đông đá, bạn có thể đổ thêm sữa mới vắt vào túi đó để tiếp tục cấp đông, nhưng date lưu ý là sẽ tính từ lượt sữa đầu tiên cho vào túi.
4/ Cách hâm nóng, rã đông sữa mẹ
Sữa để trong ngăn mát tủ lạnh thì bạn chỉ cần ngâm nước ấm để cho bé bú. Sữa để tủ lạnh lấy ra sẽ có một lớp chất béo màu trắng đục đóng phía trên. Sau khi hâm ấm xong bạn nhớ lắc nhẹ để lớp béo hòa tan hoàn toàn trước khi cho bé bú.
Đối với các túi trữ sữa đã được cấp đông, bạn cần chuyển xuống ngăn mát để tan dần. Khi sữa tan, bạn có thể cho lượng sữa cần dùng ra bình rồi hâm 40 độ C trước khi cho bé bú.
Bạn không nên hâm sữa bằng lò vi sóng vì lò vi sóng có thể làm hủy hoại các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ, tạo ra các “hạt nóng” có thể gây bỏng con bạn.
Đôi khi sữa mẹ đông lạnh sẽ có mùi khi rã đông, nguyên nhân là do trong sữa mẹ có hàm lượng men lipase trong sữa cao, sữa có mùi và nếm có vị xà phòng. Sữa này vẫn đảm bảo dưỡng chất và kháng thể như bình thường.
Lưu ý: Sữa đã rã đông không bú hết thì phải bỏ đi, không được dùng lại hay trữ lại. Không pha sữa đông thừa với sữa mới vắt. Không lắc bình sữa rã đông, tránh rã đông nhanh trong nước sôi. Lắc mạnh hay thay đổi đột ngột nhiệt độ sữa mẹ sẽ làm mất tính năng tự nhiên của một số phân tử kháng thể.