Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là một vấn đề sức khỏe rất phổ biến trong giai đoạn từ 3 – 24 tháng tuổi. Bệnh tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng khiến trẻ khó chịu thậm chí là bỏ bú, biếng ăn, lâu dần ảnh hưởng tới sức khỏe con. Để phòng tránh và loại bỏ những tổn thương không đang có trên da bé mẹ hãy đọc ngay những thông tin dưới đây.
Hỏi – Đáp: Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?
Hỏi: Chào bác sĩ, cho em hỏi con em được 3 tháng tuổi rồi ạ, gần đây bé có biểu hiện là nổi những vầng mụn nước nhỏ li ti màu hồng ở trán và 2 má. Khi động vào cảm thấy hơi khô ráp. Theo dõi bé thời gian gần đây em thấy con hay quơ tay lên mặt kiểu như muốn gãi ngứa. Em cũng chưa dám bôi một loại thuốc nào cho bé. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em về tình trạng này của bé với ạ. Em cảm ơn!
(Hoàng Quyên – Nghệ An)
Trả lời: Qua những biểu hiện mà bạn miêu tả, chúng tôi chẩn đoán đây có thể là bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh. Bệnh còn có tên khác là lác sữa hay viêm da cơ địa.
Đây là bệnh mãn tính, hay tái phát lại. Biểu hiện chung là khô da, đỏ và ngứa. Các vết mẩn đỏ không chỉ xuất hiện trên mặt mà còn ở nếp gấp khuỷu tay, khuỷu chân, nặng hơn là lan tới khắp người.
Mỗi bé có biểu hiện nặng nhẹ khác nhau. Có bé ngứa nhiều, có bé lại ngứa ít hơn. Trường hợp nếu không vệ sinh cẩn thận bệnh sẽ càng nặng hơn. Khi mụn nước bị vỡ ra bết dính tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập và vùng bị chàm tạo thành một lớp hóa sừng bị cứng.
Bệnh này tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng để lâu sẽ khiến cho trẻ khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con.
Tại sao trẻ sơ sinh lại bị chàm sữa
Khi trẻ sơ sinh bị chàm sữa ở mặt có thể xuất phát từ một trong những nguyên nhân sau:
– Cơ địa của trẻ: Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới hiện tượng này là xuất phát từ bản chất cơ địa của trẻ dễ bị dị ứng, hoặc gia đình có tiền sử dị ứng thời tiết, mề đay…
– Trẻ bị dị ứng với nguồn thức ăn của mẹ: Khi mẹ ăn nhiều các đồ tanh, hải sản, chất đạm nhưng cơ thể bé thì không thích ứng được, thông qua nguồn sữa bé có thể mắc dị ứng.
– Các tác nhân bên ngoài: Khói bụi, thời tiết thay đổi, lông động vật hoặc đồ chơi của bé có thể là nguồn lây nhiễm vi khuẩn khiến cho trẻ sơ sinh bị chàm sữa.
Mách mẹ cách chăm sóc và điều trị chàm ở trẻ sơ sinh
Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh thường là do cơ địa nên mẹ chỉ có thể hạn chế và tìm cách khắc phục để bệnh không diễn biến nặng và ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
– Chế độ ăn uống hợp lý: Cần phải cải thiện chế độ ăn uống thật tốt, đủ chất. Tuy nhiên cũng nên hạn chế ăn những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng như hải sản, trứng, các loại thực phẩm lên men, thực phẩm cay và nhiều chất béo.
– Chú ý khi tắm cho bé: Vệ sinh sạch sẽ cho con cũng là cách chữa chàm sữa ở trẻ sơ sinh. Tuy vậy mẹ không nên tắm quá lâu, chỉ khoảng 5 – 10 phút và lưu ý là không dùng sữa hoặc xà phòng tắm cho con. Chỉ nên tắm bằng nước ấm vừa phải. Tắm xong lấy khăn mềm lau khô nhẹ nhàng.
– Cắt móng tay, móng chân cho con thường xuyên để hạn chế bé chà lên mặt và những nơi bị chàm gây nhiễm trùng và trầy xước.
– Thay tã và vệ sinh sạch sẽ cho bé để giảm cảm giác khó chịu.
– Nên mặc những loại quần áo mềm mại, thoáng mát cho con.
– Nếu cơn ngứa của con bùng phát thì có thể lấy một chai nước lạnh áp vào chỗ bị ngứa nhiều lần trong 1 ngày sau đó thoa kem dưỡng ẩm.
– Tuyệt đối không nên áp dụng các mẹo chữa chàm sữa ở trẻ sơ sinh theo kinh nghiệm dân gian hoặc truyền miệng khiến da con bị bội nhiễm và càng nặng hơn.
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh có bôi thuốc được không?
Không ít mẹ thắc mắc và có ý định tìm mua các loại thuốc bôi chữa chàm ở trẻ sơ sinh. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, mẹ không nên tự ý mua thuốc về bôi cho con như vậy. Trên thị trường không ít các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nếu không cẩn trọng có thể chữa “lợn lành thành lợn què”.
Nếu thấy các biểu hiện nặng như lây lan sang khắp người, mụn nước vỡ và rỉ dịch thì mẹ nên cho con đi khám da liễu gấp để bác sĩ can thiệp. Khi đó sử dụng thuốc như thế nào phải được bác sĩ kê đơn rõ ràng.
Cách tốt nhất để phòng bệnh chàm sữa ở trẻ, các mẹ hãy vệ sinh và chăm sóc cơ thể của con thật sạch sẽ. Không nên nuôi chó, mèo ở gần phòng của bé. Đặc biệt cần vệ sinh sạch sẽ đồ chơi và những dụng cụ cá nhân cho con.
Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh không phải là một bệnh quá nguy hiểm, mẹ hoàn toàn có thể phòng ngừa hoặc hạn chế bệnh nặng hơn. Hy vọng, phần chia sẻ này sẽ giúp chị em yên tâm hơn về một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp này của trẻ sơ sinh.
Nguồn: Mabio.vn