Bao tay, bao chân và mũ đội đầu là 3 vật dụng luôn được cho vào danh sách những đồ dùng cần thiết cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên sử dụng sao cho đúng những vật dụng ấy thì không phải ai cũng biết.
Khi một em bé chào đời sẽ được bố mẹ đeo cho bao tay, bao chân và đầu nhất định phải được đội mũ. Đó như là một thói quen, và đa phần mọi người cho rằng làm như vậy trẻ sẽ không bị lạnh. Nên hầu hết không ai quan tâm rằng việc đeo bao tay, bao chân hay mũ đội đầu cho trẻ là đúng hay sai.
Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là 3 thứ “vô dụng” nhất. Không những “vô dụng” mà chúng còn có thể gây hại cho trẻ sơ sinh cả về sức khỏe và quá trình phát triển kỹ năng.
Đeo bao tay, bao chân, đội mũ có ảnh hưởng tới trẻ thế nào?
Tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh
Ở nước ngoài, các chuyên gia về vấn đề chăm sóc trẻ sơ sinh khuyến cáo rằng: khi trẻ ở trong phòng, không nên đội mũ, mặc nhiều quần áo, hay đeo bao tay, bao chân. Điều này có thể giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) đồng thời tránh cho cơ thể trẻ quá nóng.
Trang Lullabytrust – trang uy tín của Anh cho biết SIDS tăng cao khi trẻ bị quá nóng, thân nhiệt tăng. Trang này cũng thông tin cho rằng điều bố mẹ phải tuyệt đối tuân theo khi chăm sóc trẻ sơ sinh là phải giữ môi trường nhiệt độ dễ chịu, không quá nóng cũng không quá lạnh.
Nếu trời lạnh, bé chỉ cần mặc một lớp quần áo và đắp chăn để giữ ấm. Tuyệt đối không được mặc nhiều lớp quần áo cho trẻ, đặc biệt là quần áo chật, ôm sát cơ thể bé. Bố mẹ có thể kiểm tra thân nhiệt của trẻ bằng cách xem con có mồ hôi ở bụng, lưng hay cổ không. Chân và tay trẻ có thể lạnh là chuyện bình thường. Đặc biệt khi trẻ bị ốm, sốt bố mẹ cũng cần mặc ít quần áo, không nên cố giữ ấm trẻ.
Cản trở quá trình phát triển kỹ năng của trẻ
Ngoài việc trẻ có thể gặp nguy cơ đột tử, thì việc đeo bao tay, bao chân có thể ngăn cản quá trình phát triển xúc giác ở trẻ. Trẻ cần được để tay chân trần tiếp xúc với da của mẹ, áo của mẹ hay các đồ vật khác.
Tương tự như việc da tiếp da sau khi sinh bé, nhiều người cũng mắc sai lầm. Quấn con trong chăn rồi mới ôm con thì không có tác dụng gì cả, và đó không được gọi là da tiếp da. Da tiếp da là ngay sau khi sinh, áp con lên ngực trần của mẹ, và 2 mẹ con cùng đắp 1 chiếc chăn mỏng.
Ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ, trẻ đã có thể dùng tay cảm nhận các bộ phận trên cơ thể cũng như cho tay vào miệng để mút. Điều này giúp tăng xúc giác cũng như chuẩn bị cho việc bú mẹ.
Nhiều mẹ lo ngại rằng nếu không dùng bao tay, trẻ có thể cào xước mặt mình. Tuy nhiên, những vết cào này không có gì nguy hiểm, sẽ mau chóng lành và như vậy trẻ sẽ dần dần học được cách điều khiển đôi tay để không cào trúng mặt nữa.
Việc đeo bao tay, bao chân không những vô nghĩa trong việc giữ ấm trẻ, vô tình làm trẻ bị nóng mà còn khiến trẻ khó chịu vì không được chạm vào đồ vật một cách tự nhiên. Trẻ sơ sinh ham khám phá mọi thứ xung quanh, khi lớn lên chút nữa, các mẹ sẽ thấy trẻ thích giơ chân, tay lên và gặm. Vì thế, hãy để bé được phát triển tự nhiên và phát triển xúc giác một cách hoàn hảo.
Bé bị thương do chính những đôi bao tay
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) tiếp nhận bệnh nhân là một bệnh nhi mới được 24 ngày tuổi, và kết quả là đầu ngón tay của bé đã bị hoại tử, thậm chí đoạn hoại tử có thể nhiễm trùng đến cả ngón tay. Kết quả em bé đã bị tháo bỏ phần đầu ngón tay đã bị hỏng. Mẹ bé cho biết, sau khi mang bao tay cho bé, do không thấy con khóc hay có bất kỳ biểu hiện đau đớn nào nên chị không chú ý. Đến một ngày sau, khi thay bao tay cho bé thì chị mới phát hiện ngón tay của bé bị siết chặt bởi sợi chỉ phía bên trong.
Một trường hợp khác của bé gái 3 tháng tuổi ở Hà Nội, may mắn hơn trường hợp trên. Do bị viêm đường hô hấp, kèm sốt cao, mẹ bé đã kiêng tắm rửa cho con. Đến khi tháo bớt quần áo, bỏ bao tay mới phát hiện xung quanh ngón tay của bé cũng bị chỉ quấn chặt, đầu ngón tay đang bắt đầu bị tụ máu, tím bầm. Cũng may được xử lý kịp thời nên sức khỏe của bé đã được ổn định. Tuy nhiên tại đốt ngón tay vẫn còn vết ngấn do bị chỉ quấn quá chặt.
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp đáng tiếc trẻ đã gặp nguy hiểm vì sự chủ quan và thiếu kinh nghiệm khi chăm sóc trẻ sơ sinh tại các gia đình.
Lưu ý khi đeo bao tay, bao chân cho bé
Cần kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi mua. Mẹ nên lựa chọn các loại bao tay, bao chân có đường may lộn ra ngoài hoặc không có đường may. Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ cần cắt hết chỉ thừa còn sót lại.
Lựa chọn các loại làm từ vải sợi bông mềm, sợi vải thông thoáng và có khả năng thấm hút mồ hôi.
Không nên đeo bao tay, bao chân hay đội mũ cho trẻ trong thời gian quá dài. Tốt nhất chỉ nên đeo sau khi tắm cho trẻ và cơ thể trẻ đã được lau khô. Sau đó mẹ có thể tháo bỏ và mát-xa chân tay cho bé.
Cha mẹ nên cắt móng tay, móng chân cho bé thường xuyên. Sử dụng dụng cụ bấm móng tay chuyên dụng dành riêng cho trẻ sơ sinh. Tốt nhất là cắt móng tay cho bé sau khi tắm xong, vì lúc đó móng tay, móng chân của trẻ vẫn còn mềm.
Tóm lại, việc đeo bao tay cho bé sơ sinh là hoàn toàn không cần thiết. Nếu muốn, mẹ có thể đeo bao tay cho bé trong tuần đầu tiên, đến khi có thể cắt móng tay cho bé. Hoặc khi đưa bé ra ngoài chơi, mẹ có thể đeo cho bé để tránh bụi bẩn, vi khuẩn hoặc ánh nắng mặt trời.
Hi vọng bài viết này có thể giúp các mẹ có thêm những thông tin hữu ích trong việc có nên đeo bao tay, bao chân hay mũ đội đầu cho trẻ hay không?