Mặc dù chúng ta vẫn tự an ủi mình rằng “chiều cao quan trọng hơn cân nặng”, nhưng chắc chắn người mẹ nào cũng sẽ buồn lòng khi thấy con nhẹ cân, còi cọc hơn bạn bè cùng trang lứa. Vậy ăn dặm gì để cho bé tăng cân? Có cách nào để cải thiện chế độ ăn uống giúp bé mập mạp, bụ bẫm hơn không?
Ăn dặm gì cho bé gầy tăng cân?
Trẻ nhỏ nên được ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, bởi thời gian này sữa mẹ đơn thuần không còn cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng ngày một tăng cao của trẻ.
Giai đoạn 6 – 12 tháng tuổi
Trong giai đoạn 6 – 12 tháng tuổi, cần nhớ rằng dinh dưỡng chính của trẻ vẫn là sữa mẹ. Nếu mẹ phải đi làm, nên hút và tích trữ sữa để con ở nhà vẫn được ăn sữa mẹ. Đây là nguồn dinh dưỡng giúp trẻ tăng cân một cách an toàn và có được hàng rào miễn dịch vững chãi để chống lại các tác nhân gây bệnh.
Tình trạng ít sữa khá phổ biến trong giai đoạn này, nhưng mẹ đừng vội dặm ngay sữa công thức, bởi trên thực tế không có gì quý giá bằng sữa mẹ. Thay vào đó, mẹ có thể tham khảo bí quyết kích sữa TẠI ĐÂY.
Ngoài ra, nếu thắc mắc ăn dặm gì cho bé tăng cân trong giai đoạn 6 – 12 tháng tuổi, mẹ có thể sử dụng các thực phẩm như:
– Bơ: không quá giàu năng lượng nhưng lại giàu chất béo lành mạnh. Hơn nữa thịt quả bơ lại mềm dẻo, cực kỳ thích hợp để đưa vào thực đơn khi bé bắt đầu ăn dặm.
Xem thêm: Cho bé ăn dặm bằng quả bơ vỏ xanh hay bơ tím tốt hơn?
– Chuối: mềm, dễ ăn, ngon miệng và giàu năng lượng. Đây cũng là “vũ khí” giúp bé tăng cân hiệu quả.
– Váng sữa, phomai: giàu năng lượng và chất béo.
Giai đoạn từ 1 – 3 tuổi
Từ 1 – 2 tuổi, đa số trẻ vẫn còn bú mẹ, nhưng sữa mẹ không còn là nguồn dinh dưỡng chính như trước đó. Hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển hoàn thiện hơn, giúp trẻ tiếp nhận và tiêu hóa được nhiều thức ăn phức tạp hơn sữa mẹ. Đây cũng là lúc mẹ có thể thoải mái đưa các thực phẩm tốt cho cân nặng vào thực đơn của bé.
Vậy ăn dặm gì cho bé tăng cân trong giai đoạn 1 – 3 tuổi:
– Tinh bột: bánh mì, gạo, ngô, khoai, yến mạch… Chúng cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, một lượng lớn chất xơ và canxi, thúc đẩy cơ thể phát triển vượt trội về tầm vóc và cân nặng.
– Protein: trứng, sữa, cá hồi, cá ngừ, các loại thịt, hỗ trợ phát triển tế bào và cơ bắp.
– Chất béo lành mạnh: các loại hạt (lạc, vừng, hạnh nhân, óc chó…), dầu oliu, dầu mè, dầu đậu nành, mỡ động vật rất quan trọng trong thực đơn của trẻ. Mỗi ngày trẻ cần khoảng 40g hoặc ml chất béo. Trên thực tế thiếu chất béo là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ 1 – 3 tuổi chậm tăng cân.
– Vitamin và khoáng chất: rau củ, trái cây. Chúng không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp củng cố sức đề kháng, tạo nền tảng tăng cân vững chắc.
– Sữa và các sản phẩm từ sữa: sữa tươi, sữa bột, phomai, váng sữa. Trong độ tuổi này trẻ cần khoảng 500 ml sữa mỗi ngày.
Mẹ cần biết: Cân nặng không phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ ăn uống
Mặc dù có một số thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm có tác dụng thúc đẩy cân nặng, tuy nhiên nếu muốn biết ăn dặm gì cho bé tăng cân, điều quan trọng là mẹ vẫn cần phải cân đối bữa ăn sao cho đầy đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Trong một số trường hợp, mặc dù mẹ đã áp dụng rất đúng thực đơn tăng cân, song cân nặng của con vẫn dậm chân tại chỗ. Tại sao lại như vậy?
– Do cơ địa: Cũng giống như người lớn, việc tăng cân của trẻ còn phụ thuộc vào khả năng hấp thu của cơ thể. Cùng một chế độ dinh dưỡng giống nhau, nhưng bé nào cơ địa hấp thu tốt hơn thì sẽ tăng cân đều hơn, và ngược lại bé nào hấp thu kém thì chậm tăng cân hoặc có thể không tăng.
– Do lứa tuổi: Khi mới sinh, bé tăng cân rất nhanh, khoảng 1 – 1,5kg trong tháng đầu và 600g/tháng trong giai đoạn 4 – 6 tháng. Từ 1 tuổi trở đi mỗi tháng có thể trẻ chỉ tăng được 100g, thậm chí chẳng nhúc nhích chút nào. Đây là chuyện hoàn toàn bình thường mà bất kỳ em bé nào cũng gặp phải.
Do đó, mẹ cũng không cần cuống lên vì không biết ăn dặm gì cho bé tăng cân, em bé của mẹ chỉ cần vẫn phát triển chiều cao, khỏe mạnh và vui chơi bình thường là được.
Và dẫu biết rằng mẹ nào cũng lo lắng khi con mình còi cọc, nhưng đừng vì thế mà tìm mọi cách bắt ép con phải ăn thứ này thứ kia khi con không thích. Việc đó có thể biến bữa cơm vốn dĩ rất vui vẻ bỗng chốc lại biến thành cuộc chiến đẫm nước mắt của cả mẹ và con.
Nguồn: Mabio.vn