Tổ chức Y tế Thế giới WHO cùng rất nhiều cơ quan y tế đều khuyến cáo rằng nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi được 24 tháng tuổi. Đây là cách tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tình cảm.
Nuôi con bằng sữa mẹ không khó nhưng xung quanh hai bầu sữa của mẹ có biết bao nhiêu rắc rối có thể xảy ra và sẽ có khi, mẹ đuối sức đến mức muốn “đầu hàng”. Hy vọng 10 lời khuyên dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu hơn, sẵn sàng đương đầu và vượt qua những khó khăn đó!
1. Không tự ý vắt sữa non trước khi sinh
Sữa non được hình thành từ quý thứ 2 của thai kỳ và tiếp tục tồn tại trong bầu ngực trong vòng 1 – 3 ngày sau sinh. Sữa non đặc sánh, chứa ít lactose, chất béo và vitamin tan trong nước nhưng lại rất giàu vitamin tan trong chất béo, protein và các tế bào miễn dịch. Sữa non chính là nguồn dinh dưỡng vàng đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ sinh non.
Vì vậy, nhiều bà mẹ đã “rỉ tai” nhau bí kíp vắt sữa non trước khi sinh với mục đích để con được bú nhiều sữa non hơn mà không biết đây là việc làm hết sức nguy hiểm.
Theo PGS.TS. Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các động tác kích thích lên đầu vú khi người mẹ vắt sữa non sẽ làm tăng tiết hormone oxytocin nội sinh, tạo ra những cơn co thắt tử cung không mong muốn và có thể khiến người mẹ sinh non.
Theo BS. Đặng Thị Thu Hiền, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, một số người mẹ trong giai đoạn thai kỳ tiết ra rất ít sữa non. Nếu như mẹ cứ cố ép mình phải vắt hút được sữa non thì sẽ gây đau đớn hoặc áp xe vú do tuyến sữa bị tác động mạnh từ bên ngoài.
Mẹ cần biết rằng sau khi sinh, ngay cả khi người mẹ phải sử dụng thuốc kháng sinh thì chất lượng sữa cũng không bị ảnh hưởng. Chỉ những mẹ mắc bệnh truyền nhiễm thì mới cần vắt sữa non trước sinh nhưng tuyệt đối phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
2. Da kề da ngay sau sinh
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trẻ sơ sinh cần được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi chào đời. Đây là việc làm vô cùng quan trọng giúp trẻ giảm sốc khi phải rời khỏi tử cung ra môi trường bên ngoài, ổn định thân nhiệt, điều hòa nhịp thở, phòng hạ đường máu và đặc biệt là giúp trẻ hình thành phản xạ tìm vú mẹ.
Đối với người mẹ, tiếp xúc da kề da với con cũng là liệu pháp không kém phần quan trọng khi nó giúp mẹ giảm đau và kích thích cơ thể tiết ra hormone “tình yêu” oxytocin để giải phóng và tăng tiết sữa.
Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều giúp em bé được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau sinh. Nếu vì lý do nào đó mà bé không thể gần gũi mẹ thì cha hoặc người thân của bé có thể làm người thay thế.
3. Cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt
Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Hành động này giúp trẻ tận hưởng được những giọt sữa non quý giá, đồng thời giúp trẻ cảm nhận được hơi ấm thương yêu từ cơ thể người mẹ. Đừng quá lo lắng khi mẹ chưa có nhiều sữa cho con bú, bởi chỉ một vài giọt sữa non sánh đặc đã có thể lấp đầy chiếc dạ dày nhỏ như hạt đậu của trẻ rồi.
Cho trẻ bú mẹ sớm cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự tiết sữa. Khi trẻ bú mẹ, sữa non trong bầu ngực được giải phóng khiến bầu ngực trở nên trống rỗng. Lúc đó, tuyến sữa của mẹ sẽ tự động tiết thêm sữa để lấp đầy những khoảng trống đó, thật kỳ diệu phải không nào?
4. Chọn đúng tư thế cho con bú
Chọn đúng tư thế cho bé bú giúp cả hai mẹ con đều cảm thấy thoải mái và đặc biệt là giúp trẻ tránh được tình trạng ọc sữa, nôn trớ. Đây là một trong những bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ quan trọng nhưng lại không nhiều mẹ để ý tới.
Có nhiều tư thế cho con bú khác nhau, trong đó 4 tư thế cơ bản được khuyên dùng nhiều nhất là tư thế bế ru thuận tay, bế ru ngược tay, tư thế ôm trái banh và tư thế nằm nghiêng. Trong quá trình cho con bú, nên thay đổi nhiều tư thế khác nhau để các cơ và xương khớp được thư giãn.
5. Cho trẻ ngậm bắt núm vú đúng cách
Cho trẻ ngậm bắt núm vú đúng cách giúp trẻ bú được nhiều sữa, nuốt sữa dễ dàng, giảm cảm giác đau đớn ở đầu vú của người mẹ cũng như kích thích tiết hormone oxytocin để giải phóng sữa và tăng tiết sữa hiệu quả.
Ngược lại, cho trẻ ngậm bắt núm vú sai cách có thể làm trẻ bú mất nhiều thời gian nhưng vẫn đói, tăng cân chậm; còn mẹ thì đau đầu vú, nứt núm vú, bị tắc sữa hoặc giảm tiết sữa do sữa không được giải phóng hết khỏi bầu ngực.
Để cho con ngậm bắt núm vú đúng cách không khó, mẹ chỉ cần đưa đầu vú chạm vào mũi trẻ, trẻ sẽ tự động mở rộng miệng để ngậm lấy vú mẹ.
6. Tuân thủ tiêu chuẩn thời gian của mỗi cữ bú
Mỗi cữ bú, trẻ sơ sinh cần từ 15 – 20 phút do lúc này kỹ thuật bú mẹ của con chưa tốt và lực hút cũng còn rất yếu. Sau này, khi trẻ đã lớn hơn, trẻ có thể chỉ cần hơn 10 phút là đã no bụng.
Trong cữ bú của trẻ, cần chú ý cho trẻ bú hết một bên ngực rồi mới chuyển sang bên còn lại. Chẳng hạn ở cữ bú này, mẹ bắt đầu từ bên ngực phải thì ở cữ bú sau, mẹ cần bắt đầu ở bên ngực trái.
Tưởng chừng là việc làm đơn giản nhưng điều này lại rất quan trọng với sữa mẹ. Khi bé bú cạn bầu ngực của mẹ, khoang sữa được làm trống, tuyến sữa sẽ tự động tiết thêm sữa để lấp đầy.
Trường hợp mẹ cho con bú chưa hết một bên ngực nhưng đã chuyển sang bên còn lại, tuyến sữa có thể hiểu nhầm rằng nhu cầu của bé đang ít đi khiến mẹ bị ít sữa dần hoặc mất sữa.
7. Không chia cữ bú cứng nhắc
Rất nhiều mẹ ít sữa nuôi con đều tuân thủ một cách vô cùng cứng nhắc các cữ bú, tuy nhiên điều này là không nên. Trung bình trẻ sơ sinh cần bú mẹ khoảng 3 tiếng một lần, nhưng nếu thấy trẻ tóp tép miệng đòi ăn, mẹ hoàn toàn có thể cho trẻ bú ngay cả khi chưa đến giờ. Đừng bắt trẻ ăn theo giờ cứng nhắc của mẹ, bởi nếu như để bé quá đói, bé sẽ mệt, cáu gắt và không chịu bú mẹ nữa.
Trong trường hợp trẻ ngủ li bì trên 3 tiếng, mẹ cần nhẹ nhàng đánh thức trẻ và cho trẻ bú. Nếu mẹ không làm điều này, trẻ có thể bị chậm lớn do sữa bú không đủ, lượng sữa tiết ra của mẹ cũng ít dần do nhu cầu của con giảm xuống.
8. Đừng vội vàng cho trẻ dùng sữa công thức
Trên thực tế, nhiều bà mẹ thấy “con nhà người ta” dùng sữa bột mập mạp hơn hoặc cho rằng sữa của mình không đủ nên đã cuống cuồng cho con dặm thêm sữa công thức ngay từ khi lọt lòng. Đây là hành động hoàn toàn sai lầm bởi trên thế giới này, chẳng có sản phẩm nào sánh bằng sữa mẹ.
Mẹ cần biết rằng, hầu hết các bà mẹ đều có thể tự nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời, chỉ cần mẹ tin vào điều đó. Cho trẻ sử dụng sữa công thức quá sớm có thể khiến trẻ bỏ bú mẹ hoặc gặp phải một số rắc rối như táo bón hoặc dị ứng đạm sữa bò.
9. Vắt hút sữa đều đặn
Cho con bú mẹ trực tiếp luôn là tốt nhất, nhưng trong một số trường hợp, mẹ cần phải thực hiện vắt hút sữa. Đó là khi mẹ nhiều sữa con bú không hết, là khi mẹ bị ốm phải cách ly với con hoặc mẹ phải đi làm không thể cho con bú đều đặn như trước.
Vắt hút sữa thường xuyên theo cữ không chỉ giúp mẹ tránh được tình trạng tắc sữa mà còn có tác dụng kích thích tuyến sữa tiết ra nhiều sữa hơn, bởi sữa được giải phóng càng nhiều thì tuyến sữa càng hoạt động tích cực.
Nếu việc vắt hút bằng tay khiến mẹ đau đớn, hãy thử với một vài loại máy hút sữa xem sao. Mẹ lưu ý nhớ vệ sinh thật sạch bầu vú trước và sau khi vắt hút sữa nhé!
10. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi
Tuyến sữa cần rất nhiều năng lượng và dinh dưỡng để hoạt động. Mọi dưỡng chất sau khi đi vào cơ thể đều được ưu tiên vào sữa mẹ trước, sau đó mới đến các cơ quan còn lại. Chế độ ăn uống không đảm bảo có thể khiến mẹ bị ít sữa hoặc sữa không đủ dinh dưỡng, con bú mẹ chậm lớn, chậm tăng cân.
Bên cạnh chế độ ăn uống thì người mẹ trong thời gian cho con bú cũng cần được nghỉ ngơi và thư giãn. Nếu bị stress, hệ trục não bộ – tuyến yên bị ức chế sẽ khiến hormone tiết sữa prolactin và hormone giải phóng sữa oxytocin bị giảm xuống, kết quả là người mẹ ít sữa dần hoặc mất sữa.
Không dừng lại ở đó, stress còn có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm.
Nuôi con bằng sữa mẹ không khó. Đừng vì lý do nào đó mà để con phải chịu thiệt thòi trong những năm tháng đầu đời, mẹ nhé!
Mẹ tự tin nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, Viên uống lợi sữa MABIO sẽ mang dòng sữa đặc, thơm mát về đều cho bé bú no nê.
Nguồn: Mabio.vn
1 Bình luận