Nhiều cha mẹ băn khoăn: Việc xuất hiện của em bé thứ 2 đôi lúc làm trẻ có vài “nghi ngờ” về tình yêu và sự chia sẻ của bạn dành cho bé. Liệu có thể làm sao để bé biết là mẹ vẫn yêu bé như ngày nào.
Thực tế, cách cha mẹ cho bé biết sự xuất hiện của em bé trước và sau khi em bé thứ 2 ra đời sẽ làm bé sớm nhận ra: “Việc có thêm một đứa em là một niềm vui và hạnh phúc lớn lao”
Sự nghi ngờ về tình yêu của mẹ dành cho trẻ
Khi mẹ sinh thêm em bé, đa phần trẻ đều có phản ứng ganh tị, ghét bỏ và không thích em. Đây là phản ứng thường gặp khi trẻ cảm thấy sự quan tâm, chăm sóc của mọi người xung quanh vốn dành cho chúng bỗng nhiên chuyển sang một em bé khác. Vì vậy, cha mẹ cần có những ứng xử khéo léo để con không ganh tị với em bé nhỏ hơn.
Một khái niệm cần hiểu rõ: Khi còn bé, não bộ của trẻ chưa phân biệt “số lượng 1 bé hay 2 bé là như thế nào?” và não bộ vẫn duy trì tính cố hữu bám dính về tình yêu của mẹ, cho đến khi tất cả các bé được 18 tháng tuổi. Vậy nên nếu có thể sắp xếp để sinh em bé thứ 2, thời điểm thuận lợi nhất sẽ là khi bé thứ nhất sau 18 tháng tuổi.
Những biểu hiện cho thấy trẻ đang ganh tị với em
Trở nên ít nói, trầm lặng.
Buồn bã, dễ khóc, dễ tủi thân.
Nghịch ngợm, hiếu động hơn hẳn, hay làm những trò quấy quả, đùa nghịch mong gây sự chú ý nơi bạn.
Nóng nảy, dễ cáu gắt, sẵn sàng đánh người khác hoặc đập phá đồ chơi.
Cãi lại bố mẹ (nhất là mẹ) từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ.
Phản ứng rất giận dữ khi có ai đấy nhắc đến em bé.
Kể xấu về em với người khác khi được người khác hỏi thăm. Ví dụ như trẻ bảo em bé xấu hoắc, em bé hư, hay khóc, hôi rình…
Giành đồ chơi, giành đồ ăn của em.
Cố tình đập phá, làm hỏng những đồ vật bạn dành riêng cho bé sơ sinh.
Mức độ cao nhất là trẻ bảo con ghét mẹ, con ghét em, hoặc cố tình đánh, làm đau em bé.
Cha mẹ cần làm gì?
Tuyệt đối không nên:
Không được đùa với trẻ bằng những câu như: “Có em là con… ra rìa rồi nhé!”. Bạn cũng cần dặn những người trong họ hàng thân thiết, tiếp xúc nhiều với trẻ không nói đùa những câu này. Nếu có ai đó đùa với trẻ và trẻ mách lại với bạn hoặc bạn trực tiếp nghe (người khác nói đùa như thế trước mặt cả bạn và con), cần ôm trẻ, nhấn mạnh ngay: “Không có đâu con ha! Cả hai đứa con đều là những gì yêu thương nhất của mẹ. Không bao giờ có chuyện mẹ thương em thì hết thương con!”. Cần nghiêm túc với việc này, vì những câu đùa như thế ảnh hưởng rất sâu trong tâm trí non nớt của trẻ, khiến trẻ đề phòng, nghi ngờ và không còn thương em nữa!
Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi em bé ra đời
Suốt chín tháng thai kỳ, bạn có thể kể nhiều cho bé nghe về một em bé trong bụng mẹ, cho bé để tay lên bụng bạn, cho bé nghe em đạp, để bé hiểu rằng em bé và bé sẽ có một mối quan hệ rất đặc biệt, và bé cần bảo vệ, che chở cho em.
Đưa trẻ cùng đi mua sắm đồ cho em bé trước khi sinh, cho bé cùng ngắm nghía những món đồ bé con con, tạo tâm lý háo hức mong chờ.
Dù mệt mỏi với việc thai nghén đến đâu, bạn cũng nên hạn chế tối đa sự quát nạt, la rầy trẻ. Có thể nhờ người thân san sẻ việc nhà, giảm áp lực công việc để có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời chăm sóc tốt cho con. Đó là cách giúp trẻ không cảm thấy bị “bỏ rơi”. Bạn nên biết: Một câu la mắng lỡ lời của bạn trong giai đoạn “nhạy cảm” này có thể khiến bé nghĩ rằng mẹ hết thương mình rồi, chỉ còn thương em bé thôi. Tâm lý đó có thể khiến bé ghét em!
Hãy luôn nhớ rằng trẻ sốc hay không sốc với chuyện có em, trẻ thương hay ghét em bé sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, cách cư xử, sự quan tâm “công bằng” của cha mẹ.
Khi hai bé chơi cùng nhau
Khi em bé thứ 2 lớn và chơi cùng bé thứ 1: Bé thứ 2 sẽ cố bắt chước bé thứ 1 về mọi thứ như cách chơi, cách đi và cách giành nói chuyện/chơi với mẹ. Do đó việc 2 bé hay xung đột là điều dễ hiểu. Khi hai bé xung đột thì không nên trách mắng hay la bé thứ 1 hoặc yêu cầu bé thứ nhất phải nhường em. Cách hành xử đúng nhất là mẹ sẽ tách 2 bé ra và cả 2 bé không ai được lấy món đồ chơi đó và mẹ sẽ giữ nó đến khi em bé chơi lại. Dĩ nhiên cả hai bé đều khóc, nhưng sẽ quên ngay và quay lại chơi cùng. Chọn 1 thời điểm nào đó dạy 2 bé biết cách chia sẽ lẫn nhau bằng chính món đồ đó: Cho bé lớn truyền sang bé nhỏ hơn và để bé nhỏ truyền lại cho mẹ, và mẹ sẽ truyền lại cho bé lớn. Bài tập này đều có ích cho tất cả các bé từ 10 tháng – 48 tháng tuổi.
Nếu bé nhỏ có tuổi dưới 18 tháng tuổi, bạn đợi khi bé nhỏ ngủ, hãy lựa những quyển sách có câu chuyện về tình anh em để kể cho bé lớn nghe. Không cần nhấn mạnh “Con lớn thì phải nhường em” và nên nói theo cách “Nếu em ngã, con có giúp em đứng dậy không?”, “Nếu em muốn chơi món này, con sẽ cho em chơi 1 lát nhé”, “Nếu em khóc đòi mẹ, con ngồi chơi cái này và đợi mẹ 1 tí nhé, sau khi mẹ hỏi em có sao không và lại chơi với con nhé” và bạn làm động tác như giao kèo với bé.
Nếu bé nhỏ lớn hơn 18 tháng tuổi, thì hãy đọc truyện cho cả hai anh em nghe về tình anh em. Vẫn những câu hỏi ở trên, nhưng bạn hỏi ngược lại với bé nhỏ và xen kẽ câu hỏi giữa bé lớn và bé nhỏ.
Những hoạt động này sẽ giúp cả hai anh em dần nhận thức trách nhiệm và sự gắn bó cần có trong việc giao tiếp và ứng xử hành vi.
Làm gì khi bé đánh em?
Dù đã rất để ý, nhưng một lúc nào đó, bạn vẫn tức điên lên khi đứa con của mình vẫn lén để… cấu em một cái, xô ngã em hoặc kéo tóc em. Làm gì trong hoàn cảnh ấy?
– Tuyệt đối không để mình nóng nảy và sốt ruột mà quát lên với trẻ hay… đánh trẻ. Hãy biết, hành động bộc phát này chứng tỏ bạn có lỗi trong việc cư xử chưa khéo, để cho đứa con lớn của mình bị tổn thương mà làm như thế, hơn là “lỗi” của trẻ.
– Hãy dịu dàng hỏi con: “Sao con làm như vậy?” và chỉ cho trẻ xem em bé bị đau tội nghiệp như thế nào.
– Lắng nghe con và giải tỏa tâm lý cho con, để bé hiểu rằng chúng ta là một gia đình, và một gia đình thì bao giờ cũng nên yêu thương, đoàn kết, che chở, bảo vệ cho nhau.
Trong trường hợp sau rất nhiều cố gắng của vợ chồng bạn mà trẻ vẫn không có biến chuyển, giữ nguyên thái độ thù địch với em thì hãy đứa trẻ đến các trung tâm tư vấn càng sớm càng tốt. Các bác sĩ tâm lý, chuyên gia tâm lý rất có kinh nghiệm trong những tình huống này và giúp được bạn.