Sữa mẹ xuống quá nhiều, lại xuống không đều không chỉ gây ra sự bất tiện cho người mẹ mà còn khiến em bé cũng gặp phải không ít phiền toái. Chúng ta phải làm sao khi gặp phải tình trạng này đây các mẹ ơi?
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tất cả các bà mẹ đều được khuyến cáo nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú mẹ xen kẽ đến khi được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn nữa nếu có thể. Bởi vậy, đa số họ đều mong muốn có được nguồn sữa dồi dào.
Thế nhưng trớ trêu thay, một số chị em lại gặp phải tình trạng sữa mẹ xuống quá nhiều hơn cả mong đợi, dẫn đến những tình huống rắc rối, dở khóc dở cười.
Sữa mẹ xuống quá nhiều: Người ăn không hết, kẻ lần không ra!
Chị Lan (25 tuổi, Vũng Tàu) vừa sinh con đầu lòng được 5 tháng. Trộm vía bé bú mẹ tốt nên rất mập mạp, khỏe mạnh.
Khi mới sinh, chị không có nhiều sữa nhưng chỉ sau 4 ngày thì sữa đã về ồ ạt, ngực căng tức rất khó chịu. Hầu như lúc nào chị cũng phải “thủ” sẵn vài chiếc khăn xô để lót trong áo, vì chẳng cần cho con bú là sữa cũng rỉ ra ướt áo rồi. Nhiều khi chỉ nghe thấy tiếng con ọ ọe, bầu ngực của chị đã râm ran chuẩn bị xuống sữa.
Lúc đầu chị nghĩ là con còn nhỏ, bú ít sữa nên sữa mẹ xuống quá nhiều như vậy là bình thường. Bà con hàng xóm sang thăm cũng động viên, chúc mừng vì chị nhiều sữa. Thế nhưng sau này đến khi con được 4, 5 tháng, tình trạng đó vẫn lặp lại. Con thì đã cứng cáp, vậy mà mẹ thì lúc nào cũng giống như đang ở cữ, người luôn ngậy mùi sữa khiến chị cũng ngại chẳng dám đi đâu chơi.
Chưa hết, mỗi lần cho con bú với chị lại là một trận chiến vì sữa xuống quá mạnh. Con chị nhiều khi còn bị sặc rồi đẩy mẹ ra, sợ không dám bú nữa. Không biết đã bao nhiêu lần chị Lan phải vắt bỏ bớt sữa để con bú dễ dàng hơn, dù tiếc lắm nhưng chẳng biết làm thế nào cả. Thế mà nhiều khi sữa mẹ xuống không đều, mạnh yếu thất thường vẫn làm con chị thỉnh thoảng lại bị một phen giật mình, phát sặc.
Chị Lan chia sẻ: “Mình dễ ăn nên mọi người cứ nấu món gì là mình ăn cái đó, không tẩm bổ gì đặc biệt nhưng không hiểu sao sữa mẹ lại xuống quá nhiều như vậy. Thật tình có nhiều sữa cho con bú rồi con mập mạp vậy cũng vui lắm, nhưng mà nhiều khi nó cũng có nhiều cái bất tiện.
Xung quanh có mấy chị hàng xóm cũng đẻ xong mà bị ít sữa, mình vẫn cho các cháu bú nhờ đều nhưng sữa vẫn xuống rất nhiều. Giờ mình chẳng biết phải làm sao nữa”.
SỮA MẸ xuống NHIỀU nhưng KHÔNG ĐỀU phải làm sao?
ĐỪNG LÃNG PHÍ sữa của con! Hỏi ngay chuyên gia để được tư vấn chi tiết và hoàn toàn MIỄN PHÍ cách khắc phục khi sữa xuống quá nhiều nhé!
Chuyên gia tư vấn: Những lợi – hại khi sữa mẹ xuống quá nhiều
Thông thường, sữa mẹ sẽ được sản xuất theo nhu cầu của con, điều này có nghĩa là mẹ cho bé bú càng nhiều thì lượng sữa tiết ra sẽ càng nhiều. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tuyến sữa có thể làm việc vượt xa cả nhu cầu cũng như mong đợi của người mẹ và em bé. Chúng ta gọi đó là tình trạng sữa mẹ xuống quá nhiều.
Nhìn chung thì đây rõ ràng là một tin vui vì bà mẹ có thể yên tâm cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Đây cũng là cách tốt nhất để trẻ có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và trí não.
Tưởng chừng như vô hại, nhưng tình trạng này lại có thể tiềm ẩn một số nguy cơ cho cả người mẹ và em bé:
– Đối với người mẹ:
- Sữa mẹ xuống quá nhiều sẽ tạo ra cảm giác căng tức ngực, nặng nề rất khó chịu.
- Sữa mẹ dễ dàng rỉ ra khỏi bầu ngực, ngay cả khi em bé chưa bú mẹ. Nhiều khi chỉ cần nhìn, nghĩ đến con hoặc nghe thấy tiếng ọ ọe của con, cơ thể người mẹ đã tiết ra hormone giải phóng sữa oxytocin, làm sữa rỉ ướt áo. Mặc dù có thể sử dụng những tấm khăn xô mỏng lót vào bầu ngực, đây vẫn là rắc rối của hầu hết các bà mẹ có quá nhiều sữa.
- Trong trường hợp sữa nhiều nhưng bé không bú hết, lượng sữa tồn đọng còn lại trong bầu ngực sẽ dễ dẫn đến tắc sữa, và sẽ rất nguy hiểm nếu mẹ không được phát hiện và điều trị kịp thời.
– Đối với em bé:
- Sữa mẹ quá nhiều sẽ làm bé thấy sợ khi bú vì tia sữa bắn ra quá mạnh.
- Sữa mẹ xuống không đều, lúc mạnh lúc yếu dễ khiến bé bị sặc khi bú mẹ. Lâu dần có thể làm bé bỏ ti mẹ.
- Sữa mẹ xuống nhanh và nhiều làm đôi khi bé mới bú được sữa đầu cữ đã no, không tận hưởng được dòng sữa béo nhiều dưỡng chất ở cuối cữ. Tình trạng này nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bé trong những năm tháng đầu đời.
Sữa mẹ xuống quá nhiều, không đều phải làm sao?
Mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng gây ra không ít phiền toái, những người có sữa mẹ xuống quá nhiều, không đều phải làm sao để khắc phục tình trạng này?
Trước hết, các mẹ cần biết rằng sữa mẹ nhiều hơn mong đợi không xấu. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc tiêu sữa vì chúng sẽ khiến mẹ mất sữa vĩnh viễn. Thay vào đó, mẹ có thể sử dụng một số biện pháp sau:
– Thay đổi tư thế cho con bú: Thay vì tư thế ngồi và bế ru con trên thay thông thường, mẹ nên cho con bú nằm hoặc đặt con nằm lên trên bụng mẹ để giảm áp lực của các tia sữa, đồng thời làm giảm tình trạng sặc sữa khi sữa mẹ xuống không đều. Cách này có thể giúp bé cảm thấy bình tĩnh và bớt giật mình hơn khi bú mẹ.
– Vắt hút sữa trước khi cho con bú: Hút bớt sữa trước khi cho con bú vừa có thể làm giảm độ mạnh của các tia sữa khi thoát ra khỏi bầu ngực, lại vừa giúp bé dễ dàng tận hưởng được dòng sữa béo ở cuối cữ.
– Vẫn tuân theo nguyên tắc cho con bú 1 bên ngực: Sau khi hút bớt sữa, tiến hành cho bé bú ở một bên ngực cho đến khi cạn bầu hoặc đến khi bé đã no bụng. Trong quá trình đó, mẹ dùng ngón tay bịt đầu vú của bên còn lại, sau đó lại nhả ra, rồi lại bịt vào để bầu ngực tạm ngừng phản ứng xuống sữa. Ở cữ sau, thực hiện tương tự nhưng bắt đầu với bên ngực còn lại.
– Hút sữa còn dư khỏi bầu ngực sau khi cho con bú: Việc này vừa có tác dụng giúp mẹ duy trì lượng sữa dồi dào, vừa làm trống các ống dẫn sữa để tránh tình trạng tắc sữa không mong muốn.
– Trữ sữa trong tủ lạnh: Sữa mẹ xuống quá nhiều không chỉ mang lại thuận lợi lớn cho bà mẹ trong việc cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời mà còn tạo cơ hội cho bé được bú mẹ thường xuyên hơn sau khi đã ăn dặm. Vì vậy đừng quên trữ sữa vào túi và bảo quản trong ngăn đá để cho bé sử dụng khi sau này mẹ phải đi làm nhé!
Nguồn: Mabio.vn
1 Bình luận