Trẻ mới sinh sức đề kháng rất yếu, mọi thay đổi từ thời tiết và môi trường có thể ảnh hưởng tới trẻ. Trong đó trẻ sơ sinh có đờm là biểu hiện sức khỏe khiến các mẹ luôn mệt mỏi, suy nghĩ. Vậy cần làm gì khi con bị đờm ở cổ và mũi. Bài viết này Mabio xin chia sẻ một số mẹo chữa đờm ở trẻ mà không cần dùng thuốc đơn giản mà rất hiệu quả.
Hiểu đúng về đờm ở trẻ sơ sinh
Đờm là một loại chất nhầy tích tụ bên trong khoang mũi và cổ họng ở trẻ sơ sinh. Có thể nói đờm chính là một phản ứng có lợi của cơ thể chứ không “đóng vai ác” như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Đờm được sản sinh ra với mục đích là ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn có hại qua hệ hô hấp. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, khả năng loại bỏ chất nhầy còn kém nên việc tích tụ đờm trong khoang mũi và họng làm cho trẻ hít thở khò khè, lâu dần làm cho con bị ho.
Thông thường, trẻ sơ sinh có đờm ở cổ và họng có nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi thời tiết, viêm đường hô hấp do cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường… Vì lúc này sức đề kháng của trẻ còn non yếu dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
Đối với những trẻ từ 1 – 2 tháng tuổi hay thở khò khè, cảm giác như có đờm ở cổ mà không kèm theo các biểu hiện gì như ho, chảy nước mũi… Thường là không liên quan tới bệnh lý nào cả, mà do hệ hô hấp của con còn quá nhỏ, chức năng chưa được hoàn thiện, khi đờm và nhớt tiết ra nhiều nhưng không biết cách loai bỏ dễ mắc kẹt trong cổ họng bé.
Trẻ sơ sinh có nhiều đờm ảnh hưởng tới bé không?
Tình trạng trẻ sơ sinh bị nhiều đờm và kéo dài không hết làm cho đường thở của con bị cản trở. Con sẽ thở khò khè, việc bú mớm của con cũng sẽ khó khăn hơn.
Ngoài ra, đờm ở cổ cũng khiến bé hay nôn trớ, bé biếng ăn và khó ngủ.
Mà bé thì không có khả năng khạc đờm được, nếu không được loại bỏ sẽ khiến việc nuôi con càng trở nên căng thẳng hơn. Mẹ nên áp dụng một số cách chữa đờm ở trẻ sơ sinh không cần uống thuốc như dưới đây:
Mách mẹ 6 mẹo chữa trị khi trẻ sơ sinh có đờm
Trẻ nhỏ hệ hô hấp rất kém. Nếu trẻ chỉ có đờm và chớm ho mà không kèm theo biểu hiện bất thường gì khác thì mẹ nên áp dụng những phương pháp này để loại bỏ đờm cho con.
Vỗ long đờm cho trẻ sơ sinh
Buổi sáng khi thức dậy, mẹ hãy làm những động tác sau: Đặt con nằm nghiêng hoặc nằm úp, đầu hơi dốc xuống. Một tay đỡ con trên đùi một tay khum lại và vỗ ở phần lưng của con chỗ giữa 2 bả vai.
Làm nhịp nhàng và liên tục, sau những động tác này bé sẽ ho nhiều và khạc đờm ra ngoài hoặc bé sẽ nôn trớ để đẩy chất dịch ra. Lưu ý nên thực hiện vào buổi sáng và khi bé đang đói.
Tạo độ ẩm cho không khí
Một số loại máy tạo độ ẩm sẽ tạo ra hơi nước để làm ẩm đường thở và lỏng chất nhầy có trong cổ họng trẻ.
Nhỏ nước muối sinh lý
Mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý 3 – 5 lần/ 1 ngày để làm lỏng dịch đờm ở cổ bé. Sau đó, lấy máy hoặc dụng cụ hút đờm để làm sạch mũi cho bé. Chú ý trước và sau khi sử dụng nên vệ sinh sạch sẽ.
Dùng tinh dầu
Có thể sử dụng tinh dầu để làm sạch đờm ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước. Không nên tự ý xông hoặc thoa tinh dầu cho con mà không biết rõ loại nào nên vào không nên.
Có thể sử dụng tinh dầu nhỏ vào máy làm ẩm không khí để hương thơm lan tỏa và làm dịu cơn khò khè, khó thở của con.
Chưng hẹ, đường phèn, quất cho con uống
Lưu ý. Cách này chỉ áp dụng khi trẻ được từ 6 tháng tuổi trở lên.
Cách làm như sau: Lấy vài lá hẹ tươi rửa sạch, ngâm muối loãng để sát khuẩn rồi thái nhỏ. Tiếp theo bổ khoảng 3 quả quất. Cho hẹ, đường phèn và quất vào 1 chiếc chén nhỏ, đem chưng cách thủy hoặc cho vào nồi cơm hấp. Để nguội và cho con uống liên tục trong vòng 3 – 5 ngày.
Cho con bú thường xuyên và đầy đủ
Đây là cách tốt nhất để tăng cường sức đề kháng, làm lỏng dịch đờm ở cổ họng của con.
Nhiều mẹ thắc mắc rằng cách chữa đờm ở trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi thế nào, có điều gì lưu ý thêm không? Đây là đối tượng có đờm chủ yếu là do sinh lý chứ không liên quan nhiều tới các vấn đề bệnh lý, mẹ cũng không cần quá lo lắng. Hãy áp dụng cách tạo độ ẩm trong phòng, nhỏ nước muối sinh lý hút đờm cho con và cho bé bú đầy đủ là tốt nhất.
Sử dụng thuốc khi trẻ sơ sinh có đờm: Nên hay không?
Câu hỏi đặt ra là trẻ sơ sinh có nhiều đờm được dùng thuốc không? Hiện nay trên thị trường có các loại thuốc long đờm, thuốc kháng sinh trị ho đờm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia mẹ không nên tự ý sử dụng những loại thuốc này mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách sẽ khiến cho bệnh của con trầm trọng hơn. Còn đối với những loại thuốc long đờm mà nhiều mẹ vẫn tìm mua để tự chữa cho con thì sao?
Đây là một loại thuốc làm tăng tiết dịch đường hô hấp giúp đờm loãng ra hoặc bị tiêu đi.
Nhiều loại thuốc còn làm giãn phế quản và chống chỉ định với những trẻ còn quá nhỏ. Tốt nhất hãy gặp bác sĩ để được tư vấn khi tình trạng của con kéo dài, đờm đặc và sâu ở cổ bé.
Trên đây là một vài kiến thức cơ bản giúp mẹ đối phó với tình trạng trẻ sơ sinh có đờm. Trong những năm tháng đầu đời, tình trạng này còn lặp lại nhiều lần vì sức đề kháng của con còn yếu. Vì thế mẹ nên bình tĩnh để tìm các phương án phù hợp nhất.
Nguồn: Mabio.vn