Tắc tia sữa khiến mẹ chịu cảnh sống dở chết dở, ngực căng tức, nhiều sữa nhưng lại không thể cho con bú vì đau đớn, sợ hãi. Ai đã từng trải qua chắc hẳn sẽ nhớ tới già. Vậy phải làm sao để phòng tắc tia sữa? Cùng Mabio theo dõi bài viết này để bỏ túi đến hàng trăm cách đơn giản, hiệu quả nhé!
Tắc tia sữa là tình trạng sữa mẹ tiết ra nhưng bị giữ lại bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng tắc sữa không giải quyết kịp thời có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Ảnh hưởng của tắc tia sữa đến mẹ sau sinh
Bệnh lý
Mẹ bị tắc sữa sau sinh có nguy cơ cao mắc áp xe vú, viêm tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú.
– Viêm tuyến vú: Bầu ngực tiếp tục sưng to và rất đau, sờ bầu ngực thấy có nhiều cục cứng, nặn sữa không ra, đầu vú sưng tấy.
– Áp xe vú: Gây đau, mưng mủ ở tuyến vú, đau tức dữ dội. Áp xe vú thường xảy ra sau khi người mẹ bị tắc tia sữa từ 1 tuần trở lên mà không được điều trị.
– Viêm xơ tuyến vú mãn tính: Do sử dụng kháng sinh kéo dài ở giai đoạn áp xe hoặc tiêm trực tiếp kháng sinh vào tuyến vú. Các khối u xơ lổn nhổn bắt đầu hình thành trong bầu ngực.
– Viêm mô liên kết: Người bệnh sẽ bị nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân nặng do dịch tiết lẫn mủ của tuyến vú nằm lẫn vào các lớp da.
– Hoại tử vú: Tuyến vú căng tròn, chuyển màu vàng nhạt và có thể bị hoại tử, cơ thể nhiễm độc nặng, suy nhược cơ thể, huyết áp tụt.
Tâm lý
Không chỉ gây ra nhiều bệnh lý, tình trạng tắc tia sữa còn ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ, ngực căng tức, đau đớn, thậm chí phát sốt, không có sức để chăm sóc con. Nhiều bà mẹ tâm lý suy sụp, cả ngày chỉ nằm 1 chỗ, không lo được cho con.
Hơn nữa, tắc sữa khiến con không có sữa bú, quấy khóc liên tục cũng làm mẹ mệt mỏi, stress, bế tắc.
Vậy mẹ phải làm sao để phòng tắc tia sữa?
Cách phòng tắc tia sữa mẹ nên biết
1. Cho con bú sau sinh càng sớm càng tốt
Rất nhiều bà mẹ rơi vào tình trạng tắc sữa sau sinh 2 – 3 ngày vì lúc ấy sữa bắt đầu về nhưng mẹ chưa cho con bú được, vì nhiều lý do (đầu ti ngắn, sức khỏe của mẹ yếu…). Vì vậy, cho con bú mẹ ngay sau khi sinh, càng sớm càng tốt tránh tình trạng tắc sữa non. Khi cho bé bú hãy để “da kề da” giúp kích thích tuyến sữa của mẹ hoạt động tốt hơn. Điều này đòi hỏi người mẹ cần phải kiên trì, tích cực cho con bú, không nhất thiết phải theo cữ, hãy cho con bú bất cứ khi nào bé có nhu cầu.
2. Để bé bú mẹ thường xuyên và đúng tư thế
Mẹ cần cho bé bú thường xuyên, mỗi lần bú khoảng 10 – 15 phút là đủ cho bé. Không để trẻ vừa ngậm ti mẹ vừa ngủ để tránh hình thành thói quen xấu, bám hơi mẹ, thậm chí có thể gây tắc sữa vì sữa ra nhưng bé lại không nuốt. Chú ý cho bé bú đúng tư thế để vừa cảm thấy thoải mái, vừa bú được nhiều sữa, tránh nôn trớ, đầy hơi. Cho bú hết 1 bên ngực rồi mới cho bú sang bên còn lại. Nếu trong một cữ con bú không hết, thấy ngực vẫn căng và nhiều sữa, mẹ hãy dùng máy hút sữa hoặc tay vắt sữa ra bình, bảo quản trong tủ lạnh, tránh lãng phí mà còn tích trữ được sữa để sau này dùng. Tuy nhiên, cần bảo quản đúng cách và để ở tủ lạnh riêng, không để chung sữa với đồ ăn.
3. Massage bầu ngực
Massage chống tắc tia sữa, giúp các tia sữa lưu thông, tránh vón cục. Mẹ có thể massage trước và sau khi cho con bú. Dùng tay đè lên bầu ngực và massage nhẹ nhàng hướng từ bầu ngực rồi chuyển dần về phía đầu ti khoảng 20 – 30 giây. Việc làm này không những kích thích sữa tiết ra nhiều hơn mà còn giúp đánh tan các cục sữa bị đông lại, giúp các tia sữa được lưu thông, bé bú dễ dàng hơn, mẹ cũng thoải mái, dễ chịu hơn.
4. Vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy
Sữa mẹ nhiều quá mà bé bú ít hoặc bú không hết sẽ dẫn đến tình trạng tắc, mẹ cũng cảm thấy nặng nề, khó chịu. Vì vậy, bên cạnh việc cho con bú, nếu cảm thấy ngực vẫn căng, sữa về nhiều, mẹ nên vắt bằng tay hoặc bằng máy. Cho bé bú cả 2 bên rồi mới vắt, tuy nhiên, chú ý vắt theo cữ để kích thích sữa về đều hơn.
5. Vệ sinh đầu ti sạch sẽ
Luôn vệ sinh đầu ti thật sạch sẽ, nhất là ở kẽ các núm bú, kể cả trước và sau khi cho con bú bằng cách dùng khăn bông sạch lau đầu vú nhẹ nhàng và vắt sạch sữa khi bé bú xong. Đồng thời, có thể tắm dưới nước ấm ở vòi hoa sen, thường xuyên massage bầu vú theo vòng tròn, hướng ra đầu vú để đánh tan các cục sữa đông (nếu có).
6. Giữ tinh thần thật thoải mái
Căng thẳng, stress kéo dài cũng là nguyên nhân khiến mẹ bị tắc sữa, mất sữa. Vì vậy, cần chú ý thư giãn, thoải mái tinh thần, tránh căng thẳng, mệt mỏi. Đồng thời, mẹ nên bổ sung một số thực phẩm lợi sữa sẽ tăng cường lượng sữa nhiều, giàu dinh dưỡng cho bé và nhanh chóng hồi phục sức khỏe, tinh thần cho mẹ.
Tóm lại, tắc tia sữa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Mẹ chú ý thực hiện các biện pháp chúng tôi nói bên trên để phòng chống tắc sữa nhé!